Quy định về xử lý vi phạm hợp đồng lao động năm 2024

Hợp đồng lao đồng là bản thỏa thuận của hai bên tham gia lao động được pháp luật bảo vệ và kiểm soát. Nếu đã ký kết cả các bên tham gia phải tuân thủ đúng theo nội dung được thoả thuận trong hợp đồng. Bất kỳ một trong các bên nào vi phạm hợp đồng lao động sẽ bị xử lý theo khuôn khổ pháp luật quy định. Bao gồm những mức xử phạt sau.

Vi phạm hợp đồng lao động là gì?

Vi phạm hợp đồng lao động là hành vi vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng lao động. Do bên thực hiện không đúng, không đầy đủ các điều khoản đã được quy định. Xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động.

Có nhiều trường hợp mà vi phạm hợp đồng lao động có thể xảy ra. Trường hợp một trong hai bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ ghi trong hợp đồng. Đôi khi, thực hiện không đầy đủ các thỏa thuận trong hợp đồng cũng là một hành vi vi phạm.

Vi phạm hợp đồng lao động là gì?

Quy định xử lý vi phạm hợp đồng lao động

Quy định mới nhất về xử lý vi phạm liên quan đến hợp đồng lao động đã được cập nhật theo Bộ Luật lao động năm 2019, cùng với Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức phạt cụ thể. Theo đó:

Vi phạm các quy định trong vấn đề giao kết hợp đồng lao động

Người sử dụng lao động vi phạm quy định giao kết hợp đồng lao động sẽ bị phạt tiền khi:

  • Không giao kết HĐLĐ bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ 3 tháng trở lên.
  • Không giao kết đúng loại HĐLĐ với người lao động.
  • Giao kết HĐLĐ không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng.
  • Giao kết HĐLĐ trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước mà không tuân thủ quy định của pháp luật.

Mức phạt quy định như sau:

  • 01 đến 10 người lao động: Phạt 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
  • 11 đến 50 người lao động: Phạt 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
  • 51 đến 100 người lao động: Phạt 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
  • 101 đến 300 người lao động: Phạt 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
  • 301 người lao động trở lên: Phạt 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong các trường hợp:

  • Giữ giấy tờ tùy thân, chứng chỉ, văn bằng bản chính của NLĐ khi giao kết hoặc thực hiện HĐLĐ.
  • Buộc NLĐ đảo đảm bằng tiền hay các loại tài sản khác khi thực hiện HĐLĐ.
  • Giao kết HĐLĐ với người lao động từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

Để khắc phục hậu quả vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động cần áp dụng:

  • Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của NLĐ trong trường hợp vi phạm quy định.
  • Buộc trả lại tiền và các tài sản đã giữ của NLĐ cộng thêm tiền lãi tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước tại thời điểm xử phạt.
  • Buộc giao kết đúng loại hợp đồng với NLĐ trong trường hợp không giao kết đúng loại.

Vi phạm các quy định trong vấn đề giao kết hợp đồng lao động

Vi phạm trong thực hiện hợp đồng lao động

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có hành vi tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với hợp đồng lao động mà không thông báo trước cho họ ít nhất 03 ngày làm việc. Hoặc không xác định rõ thời hạn làm tạm thời. Hoặc để NLĐ làm công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với NSDLĐ có một trong các hành vi sau:

  • Bố trí người lao động làm việc tại địa điểm khác so với thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Bộ Luật Lao động.
  • Không để NLĐ làm việc sau khi kỳ hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ kết thúc. Trừ khi có thỏa thuận khác.
  • Chuyển người lao động làm công việc khác mà không tuân thủ đúng lý do, thời hạn. Hoặc không có văn bản người lao động đồng ý.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà không đạt mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lương cho người lao động trong những ngày không nhận người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, đối với hành vi vi phạm quy định.

Vi phạm trong thực hiện hợp đồng lao động

Quy định xử lý vi phạm về sửa đổi, chấm dứt hợp đồng lao động

Các hành vi sau sẽ bị xử phạt:

  • Sửa đổi trên một lần thời hạn hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng lao động. Hoặc khi sửa đổi làm thay đổi đi loại HĐLĐ đã giao kết. Trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng với NLĐ cao tuổi và NLĐ là cán bộ công đoàn không chuyên trách.
  • Không làm đúng quy định thời hạn thanh toán quyền lợi của NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ.
  • Không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho NLĐ theo quy định của pháp luật.
  • Không trả hoặc trả không đủ tiền bồi thường cho NLĐ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
  • Không hoàn thành xác nhận, hoàn trả giấy tờ của NLĐ sau khi chấm dứt HĐLĐ.

Mức phạt cụ thể như sau:

  • Phạt 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng: Vi phạm từ 01 người đến 10 NLĐ.
  • Phạt 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng: Vi phạm từ 11 người đến 50 NLĐ.
  • Phạt 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng: Vi phạm từ 51 người đến 100 NLĐ.
  • Phạt 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng: Vi phạm từ 101 người đến 300 NLĐ.
  • Phạt 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng: Vi phạm từ 301 NLĐ trở lên.

Phạt tiền từ 5.000.000 – 10.000.000 khi người sử dụng lao động có hành vi sau đây:

  • Cho thôi việc từ 02 NLĐ trở lên mà không trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở hoặc không thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước trước 30 ngày khi thay đổi công nghệ, cơ cấu hoặc vì lý do kinh tế.
  • Không lên phương án sử dụng lao động theo như pháp luật quy định.

Để khắc phục hậu quả của vi phạm hợp đồng lao động, cần áp dụng:

Buộc trả đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho NLĐ cộng với khoản tiền lãi của số tiền chưa trả tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi không trả hoặc trả không đủ số tiền trợ cấp thôi việc, mất việc cho NLĐ.

Buộc hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ cho NLĐ đối với hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận, trả lại những giấy tờ khác đã giữ của NLĐ sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Lưu ý: Các mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân. Với tổ chức phải bằng 02 lần mức phạt tiền như với cá nhân.

Quy định xử lý vi phạm về sửa đổi, chấm dứt hợp đồng lao động

Người lao động phải bồi thường cho doanh nghiệp khi nào?

Dưới đây là 4 trường hợp mà NLĐ phải bồi thường cho công ty:

Vi phạm bí mật kinh doanh

Khi ký kết hợp đồng lao động, nếu công việc của NLĐ liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh của công ty, người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với NLĐ về các nội dung liên quan đến việc bảo vệ bí mật đó. Trong trường hợp NLĐ vi phạm thỏa thuận này. Doanh nghiệp có thể xử lý vi phạm và yêu cầu bồi thường theo thỏa thuận. Mức bồi thường sẽ phụ thuộc vào mức độ thiệt hại và hoàn cảnh cụ thể.

Đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định

NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sẽ không bị coi là vi phạm hợp đồng lao động nếu tuân thủ đúng quy định. Trường hợp nghỉ việc không tuân thủ quy định, người lao động sẽ bị coi là chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Trong tình huống này, người lao động sẽ phải bồi thường cho người sử dụng lao động.

  • Bồi thường nửa tháng lương theo HĐLĐ.
  • Bồi thường thêm 01 khoản tiền lương tương ứng với số ngày không thông báo trước.
  • Hoàn trả chi phí đào tạo. Nếu NLĐ đã được cử đi học nghề, đào tạo nghề từ kinh phí của người sử dụng lao động.
  • NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật còn không nhận được trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp.

Đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định

Làm hư hỏng thiết bị, tài sản công ty

Thiệt hại do sơ suất, giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng: tối đa 03 tháng tiền lương. Chúng sẽ được khấu trừ từ tiền lương mỗi tháng của người lao động. Sau các khoản bảo hiểm và thuế thu nhập cá nhân. Nhưng tối đa không quá 30% lương/tháng.

Làm hư hại tài sản do cố ý hoặc sơ suất. Nhưng với hậu quả nghiêm trọng hoặc có giá trị thiệt hại lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu vùng: NLĐ sẽ phải bồi thường theo nội quy lao động của công ty.

Làm mất tài sản của công ty

Mức độ bồi thường sẽ phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể. Có các trường hợp người lao động không cần phải bồi thường cho công ty:

  • Nếu có hợp đồng trách nhiệm: Bồi thường theo hợp đồng đã thỏa thuận.
  • Do sự kiện khách quan không thể lường trước được. Mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết: Không phải bồi thường.
  • Trường hợp còn lại: Bồi thường một phần. Hoặc bồi thường hoàn toàn theo thời giá thị trường hay nội quy lao động.

Trên đây là toàn bộ những trường hợp phải bồi thường nếu 2 bên vi phạm hợp đồng lao động. Thông qua thông tin này, người lao động và doanh nghiệp sẽ biết được những hành vi nào của mình là vi phạm. Từ đó có hướng điều chỉnh phù hợp. Hoặc cũng có thể tránh được các trường hợp bị yêu cầu bồi thường không đúng.

hotline
chat facebook
chat zalo